T

Tư vấn người dùng

Công trình kiến trúc vĩ đại của Trung Quốc - Vạn Lý Trường thành

“Bất đáo trường thành phi hảo hán” là câu danh ngôn được Mao Trạch Đông đề tựa trên một khối bảo thạch dựng ở vị trí nổi bật và trang trọng trên Vạn Lý Trường Thành, đoạn gần nhất với Thủ đô Bắc Kinh với hàm ý, đến Trung Quốc mà không tham quan Vạn Lý Trường Thành thì thật là đáng tiếc. Bức tường thành trở thành Di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1987.

 

 

Bất đáo trường thành phi hảo hán - Bút tích của Chủ tịch Mao Trạch Đông

 

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được xếp đứng thứ 2 sau Kim tự tháp Giza Necropolis của Ai Cập trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới được tổ chức từ tháng 9/1999 đến tháng 11/2005.

 

Bảy kỳ quan thế giới mới là một cuộc bình chọn qua mạng lưới toàn cầu để tìm ra bảy tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật khác bên cạnh Bảy kỳ quan thế giới cổ đại của văn minh nhân loại. 177 công trình kiến trúc đã được lựa chọn để bầu, tuy cuộc bầu chọn này không phải do Tổ chức văn hóa, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức nhưng nhờ có sự quảng bá tốt vượt trội nên chương trình đã có tiếng vang trên toàn thế giới, quy mô bình chọn vượt hơn hẳn các chương trình khác.

 

Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cao cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới mới, bởi nó phù hợp với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, giúp du khách và nhân dân các nước biết đến hàng trăm danh thắng, kỳ quan thiên nhiên đa dạng và độc đáo ở khắp các châu lục. Do vậy, dù không được công nhận về mặt khoa học, các chương trình vận động bình chọn của nhiều nước vẫn muốn tận dụng điều này để quảng bá cho địa điểm du lịch của đất nước họ để thu lợi về mặt thương mại.

 

 

Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc nổi tiếng của Trung Quốc có chiều dài 21.196 km được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại trong khoảng 2000 năm từ thế kỷ 5 trước công nguyên cho tới thế kỷ 16 để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.

 

Lý do để Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành bắt nguồn từ một câu "sấm": "Vong Tần giả, Hồ dã" (Tần mất là do Hồ). Tần Thủy Hoàng tưởng chữ "Hồ" là chỉ giặc Hồ phương Bắc. Dù người làm mất nhà Tần hóa ra là Thái tử "Hồ" Hợi, di sản mà hoàng đế thống nhất Trung Quốc để lại cũng đã đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này.

 

Đoạn tường thành chính đầu tiên được xây dựng dưới thời cai trị của Tần Thuỷ Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần với thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bức tường này không được xây dựng bởi nỗ lực của một nhóm mà là việc ghép nối nhiều đoạn tường thành của các vùng, từng được xây dựng ở thời Chiến Quốc, vào nhau.

 

Triều đình bắt người dân phải làm việc để đắp thành, và các công nhân luôn bị nguy hiểm vì có thể bị bọn cướp tấn công. Bởi vì có nhiều người đã chết khi xây dựng thành, nó được đặt cho cái tên khủng khiếp, "Nghĩa địa dài nhất Trái Đất". Có lẽ khoảng một triệu công nhân đã chết khi xây dựng bức tường thành.

 

 

Bản vẽ Vạn Lý Trường Thành năm 1900

 

Ước tính 300 ngàn binh lính với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách... phải làm khổ sai trong miền rừng núi trùng trùng điệp điệp, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như nung, mù mịt cát bụi. Trên thành cất những đồn canh, và có đường rộng chạy ngựa được giữa các đồn với nhau. Không biết bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu nước mắt của thân nhân những người đó, không văn nhân thi sĩ nào chép lại hết được. Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương: "Nàng thương nhớ chồng, đi 10 ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi. Xung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng, tự động tách ra cho nàng tìm thấy hài cốt chồng."

 

Vạn Lý Trường Thành ngày nay được xây ở thời nhà Minh, bắt đầu khoảng năm 1368 và kết thúc khoảng năm 1640. Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh đã được xây dựng dọc theo bức tường. Bức tường này được xây với tầm vóc to lớn bằng những vật liệu tốt (đá cứng được dùng ở các bề mặt và ở trên đỉnh thành) hơn so với trước đó.

 

 

Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan, gần Tần Hoàng Đảo, ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải. Kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, 500km cuối cùng vẫn còn nhưng đã thành những đống gạch vụn, và hiện nay nó kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan, nằm ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa. Gia Dục Quan được xây để tiếp đón những nhà du hành dọc theo Con đường tơ lụa. Mặc dù Vạn Lý Trường Thành kết thúc ở Gia Dục Quan, tại đó có rất nhiều "phong hoả đài" trải dài về phía Gia Dục Quan dọc theo Con đường tơ lụa. Những đài quan sát đó dùng dấu hiệu bằng khói để cảnh báo có xâm lược.

 

 

Thiên ha đệ nhất hùng quan.

 

Năm 1644, người Mãn châu vượt qua bức tường thành bằng cách thuyết phục Bình tây vương Ngô Tam Quế của nhà Minh mở cửa những cánh cổng Sơn Hải Quan. Truyền thuyết kể rằng quân Mãn Châu mất ba ngày mới vượt hết qua đèo. Sau khi người Mãn Châu chinh phục Trung Quốc, bức tường thành không còn giá trị chiến lược nữa, bởi vì người Mãn Châu đã lập nên nhà Thanh, mở rộng quyền kiểm soát chính trị của họ ra xa phía bắc, còn xa hơn cả triều Trung Quốc trước đó.

 

Một số quan ải nổi tiếng trên Vạn Lý Trường Thành

 

 

Sơn Hải quan: cửa ải đầu tiên của Trường Thành, nằm ở nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, khởi điểm của Trường Thành, phía nam của dãy núi Yên Sơn, phía bắc của Biển Bột Hải, do tướng Từ Đạt, vị tướng nổi tiếng của nhà Minh xây dựng. Với con mắt sắc bén về quân sự, Từ Đạt đã xây dựng Sơn Hải Quan vừa kiểm soát được núi lại khống chế được biển này. Tên Sơn Hải quan cũng là do đứng ở nơi đây có thể ngắm được, quan sát được toàn cảnh núi non và biển cả hùng vỹ, với non xanh nước biếc, đồi núi và biển cả soi bóng.

 

Cửa ải này có 4 cửa, cửa phía Đông có một bức hoành phi với dòng chữ "Thiên hạ đệ nhất quan" dài 5,9 m, rộng 1,6 m. Chiều cao của chữ là 1,45 m, rộng 1,09 m do Tiêu Hiển, tiến sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng của nhà Minh viết, nhưng dưới bức hoành phi không có lạc khoản tên ông. Truyền thuyết kể rằng khi viết bức hoành phi này, Tiêu Hiển đã viết một mạch là xong, sau khi viết xong và ngắm lại ông có chút không hài lòng đối với chứ “Nhất”, và nhiều lần viết lại, những vẫn không hài lòng. Ông liền quẳng bút và vào quán rượu dưới chân núi vừa uống rượu vừa nghiền ngẫm. Người hầu trong quán quen tay vạch một đường trên bàn, để lại vệt nước. Tiêu Hiển trông thấy vệt nước liền vụt đứng dậy là nói liến thoắng “tuyệt quá” “tuyệt quá”. Thì ra vệt nước đó là chữ “Nhất” kỳ diệu. Tiêu Hiển liền viết chữ nhất này lên bức hoành phi và trở thành bức hoành phi thiên cổ. Bởi vậy, Tiêu Hiển không ghi tên mình vào chỗ lạc khoản, khiến cho bức hoành phi này là một trong số rất ít bức hoành phi không có lạc khoản.

 

Gia Dục quan: còn gọi là Hoà Bình Quan, là cửa quan nằm ở khởi điểm phía tây của Trường Thành, trên địa bàn thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc, xây dựng vào năm thứ 5 Hồng Vũ 1372.

 

Nương Tử quan: còn gọi là Vi Trạch Quan, thuộc địa bàn huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây. Địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp, dễ phòng khó công nên được mệnh danh là "Tam tấn môn hộ". Hồi đầu nhà Đường, công chúa Bình Dương, con gái thứ 3 của Lý Uyên từng dẫn vài vạn tướng sĩ canh giữ tại đây. Công chúa Bình Dương võ nghệ cao cường, đạo quân của công chúa được gọi là "nương tử quân". Bởi vậy mọi người đổi tên cửa ải này thành Nương Tử Quan. Đến nay trên cánh cửa đông môn thành trì Nương Tử Quan còn có 5 chữ "Trực thuộc Nương tử Quan".

 

 

Ngọc Môn quan: ở Tiểu Phương Bàn Thành phía tây Huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Tên Ngọc Môn Quan là do tất cả đá ngọc sản xuất ở Hoà Điền, Tân Cương thời cổ đều phải đi qua cửa ải này.

 

 

Nhạn Môn quan: nằm trên một thung lũng ở huyện Đại, tỉnh Sơn Tây, có khí thế hoành tráng, hai bên là vách núi dựng đứng, chỉ những con nhạn, con én mới bay qua được mà chỉ bay dọc theo thung lũng qua phía trước cửa ải, bởi vậy mọi người mới gọi là Nhạn Môn Quan.

 

Vạn Lý Trường Thành sừng sững trong suốt 25 thế kỉ qua, chứng kiến lịch sử đổi thay của mảnh đất Trung Hoa. Sau nhiều thế kỉ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá và thời tiết khắc nghiệt, rất nhiều đoạn của thành đã hư hỏng nặng và không còn liền mạch thành một giải như trước. Đoạn thành được dùng làm điểm tham quan du lịch đang được sử dụng còn khá lành lặn vì gần với thủ đô Bắc Kinh.

 

 

Ván nhựa Picomat - giải pháp AN TOÀN cho nội thất